Kiến thức về Khí cụ điện
Somitec cung cấp một số kiến thức cơ bản về khí cụ điện.
1. Khái niệm:
Khí cụ điện là những thiết bị dùng để đóng ngắt, điều khiển, kiểm tra, tự động điều chỉnh, khống chế và bảo vệ các lưới điện, mạch điện, máy điện và các thiết bị điện khác.
2. Phân loại khí cụ điện:
Tùy theo chức năng, một số nhóm khí cụ điện cơ bản như sau:
2.1. Phân loại Khí cụ điện theo công dụng
- Đóng ngắt mạch điện của lưới điện : cầu dao, CB, công tắc…
- Mở máy, điều chỉnh tốc độ , điều chỉnh điện áp, dòng điện: công tắc tơ, khởi động từ, bộ khống chế…
- Bảo vệ lưới điện, máy điện: cầu chì , áptômát …
- Duy trì tham số điện ở giá trị không đổi: ổn áp, thiết bị tự động điều chỉnh điện áp, dòng điện, tần số, tốc độ, nhiệt độ…
- Đo lường :VOM , volt kế, ampe kế…
2.2. Phân loại theo điện áp
- Khí cụ điện cao thế: Uđm ≥100KV
- Khí cụ điện trung thế : 1000V≤ Uđm <100KV
- Khí cụ điện hạ thế: Uđm <1000V
2.3. Phân loại theo dòng điện
- Khí cụ điện 1 chiều
- Khí cụ điện xoay chiều. Một số khí cụ này dùng trong servo của các hãng máy CNC.
2.4. Phân loại theo nguyên lý làm việc
- Khí Cụ Điện nguyên lý điện từ
- Khí Cụ Điện nguyên lý từ điện
- Khí Cụ Điện nguyên lý cảm ứng
- Khí Cụ Điện nguyên lý điện động
- Khí Cụ Điện nguyên lý điện nhiệt
- Khí Cụ Điện có tiếp điểm
- Khí Cụ Điện không có tiếp điểm
2.5. Phân loại theo điều kiện làm việc và dạng bảo vệ
- Khí Cụ Điện làm việc ở vùng nhiệt đới
- Khí Cụ Điện làm việc ở vùng có nhiều rung động
- Khí Cụ Điện làm việc ở vùng mỏ có khí nổ
- Khí Cụ Điện làm việc ở môi trường có chất ăn mòn hoá học…
3. Một số nguyên nhân hư hỏng khí cụ điện và cách khắc phục:
3.1 Nguyên nhân:
Hư hỏng do điện:
Thiết bị điện vận hành lâu ngày hoặc không được bảo quản tốt lò xo tiếp điểm bị hoen rỉ yếu đi sẽ không đủ lực ép vào tiếp điểm.
Khi có dòng điện chạy qua, tiếp điểm dễ bị phát nóng gây nóng chảy, thậm chí hàn dính vào nhau. Nếu lực ép tiếp điểm quá yếu có thể phát sinh tia lửa làm cháy tiếp điểm. Ngoài ra, tiếp điểm bị bẩn, rỉ sẽ tăng điện trở tiếp xúc, gây phát nóng dẫn đến hao mòn nhanh tiếp điểm.
Oxy hóa:
Môi trường xung quanh làm bề mặt tiếp xúc bị oxy hóa tạo thành lớp oxit mỏng trên bề mặt tiếp xúc, điện trở suất của lớp oxit rất lớn nên làm tăng điện trở dẫn đến gây phát nóng tiếp điểm.
Ăn mòn kim loại:
Trong vận hành hơi nước và các chất có hoạt tính hóa học cao thấm vào và đọng lại trong những lỗ nhỏ trên bề mặt tiếp xúc của khí cụ sẽ gây ra các phản ứng hóa học tạo ra một lớp màng mỏng rất giòn. Khi va chạm trong quá trình đóng lớp màng này dễ bị bong ra. Do đó bề mặt tiếp xúc sẽ bị mòn dần, hiện tượng này gọi là hiện tượng ăn mòn kim loại.
3.2 Cách khắc phục:
- Đối với những tiếp xúc cố định : nên bôi một lớp mỡ chống rỉ hoặc quét sơn chống ẩm.
- Khi thiết kế ta nên chọn những vật liệu : có điện thế hóa học giống nhau hoặc gần bằng nhau cho từng cặp.
- Nên sử dụng các vật liệu không bị oxy hóa làm tiếp điểm.
- Mạ điện các tiếp điểm: với tiếp điểm đồng, đồng thau thường được mạ
- thiếc, mạ bạc, mạ kẽm còn tiếp điểm thép thường được mạ cađini, kẽm,…
- Thay lò xo tiếp điểm: những lò xo đã rỉ, đã yếu làm giảm lực ép sẽ làm tăng điện trở tiếp xúc, cần lau sạch tiếp điểm bằng vải mềm và thay thế lò xo nén khi lực nén còn quá yếu.
- Kiểm tra sửa chữa cải tiến: cải tiến thiết bị dập hồ quang để rút ngắn thời gian dập hồ quang nếu điều kiện cho phép.